Cà Rốt - Carrot

GUfoods
Thứ Ba, 31/08/2021

Tổng quan

Cà rốt là một loại rau củ tốt cho sức khỏe, với độ giòn, vị ngon và chứa rất nhiều beta carotene, chất xơ, vitamin K1, kali cũng như chất chống oxy hóa. Ăn cà rốt rất thích hợp cho việc giảm cân, giúp giảm cholesterol, cải thiện sức khỏe mắt, thậm chí là giảm nguy cơ ung thư.

Cà rốt - Carrot

Nguồn gốc và đặc điểm

Cây cà rốt xuất hiện lần đầu tiên ở nước Afghanistan. Nhờ sự hấp dẫn của cây ăn củ này mà chúng được lan rộng sang nhiều khu vực lân cận khác. Hiện nay, cà rốt được trồng và sử dụng rộng rãi trên thế giới, đặc biệt là các nơi có khí hậu ôn đới. Đối với Việt Nam cà rốt cũng là một giống cây trồng phổ biến và mang lại nhiều giá trị cao. Cây trồng ở nhiều vùng nông thôn với mục đích sử dụng và kinh doanh.

Cà rốt (tên khoa học là Daucus carota) là 1 loại rau có củ, được coi là thực phẩm lành mạnh và tốt cho sức khỏe. Cà rốt nhai giòn, có vị ngọt và chứa thành phần dinh dưỡng cao. Cà rốt là nguồn chứa beta-carotene, chất xơ, vitamin K, kali và các chất chống oxy hóa. Chúng có nhiều màu sắc như vàng, trắng cam, đỏ và tím.

Giá trị dinh dưỡng

Cà rốt không chỉ là loại củ quen thuộc trong các món ăn trong gia đình mà còn là vị thuốc quý, rất tốt cho sức khỏe. Với hàm lượng chất dinh dưỡng và vitamin A cao, cà rốt được xem là một nguyên liệu cần thiết cho các món ăn dặm của trẻ nhỏ, giúp trẻ sáng mắt và cung cấp nguồn chất xơ dồi dào.

Cứ trong 100g cà rốt tươi sống gồm có các chất dinh dưỡng như:

  • Năng lượng: 41kcal
  • Nước: 88g
  • Carbohydrate: 9.6g (2.8g chất xơ và 4.7g đường)
  • Chất đạm: 0.9g
  • Chất béo: 0.2g
  • Vitamin nhóm B, nhóm C, nhóm A
  • Chất điện giải và các chất khoáng như: kai, canxi, sắt …
  • Các hợp chất có dược tính quý : Beta-carotene, alpha-carotene, lutein, lycopene, polyacetylene, anthocyanin,...

Các tác dụng với sức khỏe

Rất tốt cho đôi mắt

Đây được xem là công dụng sức khỏe nổi tiếng nhất của cà rốt. Chúng giàu beta-carotene - một hợp chất mà cơ thể chuyển thành vitamin A, hay còn gọi là tiền vitamin A, giúp mắt khỏe mạnh. Hơn nữa, beta-carotene còn giúp bảo vệ đôi mắt khỏi ánh nắng mặt trời và làm giảm nguy cơ bị đục thủy tinh thể ,cũng như các vấn đề thị lực khác.

Cà rốt màu vàng có chứa lutein, cũng rất tốt cho đôi mắt của bạn. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng dưỡng chất này có thể ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác - nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực ở Hoa Kỳ.

Cà rốt tươi

Giảm nguy cơ ung thư

Chất chống oxy hóa đã được chứng minh có khả năng tiêu diệt các gốc tự do có hại trong cơ thể, nhờ đó làm giảm nguy cơ bị ung thư. Hai loại chất chống oxy hóa chính trong cà rốt là carotenoids (cà rốt màu cam và vàng) và anthocyanin (cà rốt màu đỏ và tím).

Hỗ trợ sức khỏe trái tim

Tất cả những chất chống oxy hóa đều tốt cho tim của bạn. Bên cạnh đó, một củ cà rốt vừa sẽ cung cấp khoảng 4% nhu cầu kali hàng ngày, giúp thư giãn các mạch máu, tránh nguy cơ huyết áp cao và các vấn đề tim mạch khác. Hơn nữa, cà rốt có chất xơ, giúp duy trì cân nặng khỏe mạnh và giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Ăn nhiều chất xơ cũng có thể hạ lipoprotein mật độ thấp trong máu, hay còn gọi là LDL cholesterol xấu. Cuối cùng, cà rốt đỏ cũng có lycopene, giúp ngăn ngừa bệnh tim.

Tăng cường hệ thống miễn dịch

Vitamin C trong cà rốt giúp cơ thể tạo ra các kháng thể bảo vệ hệ miễn dịch, đồng thời tiếp nhận và sử dụng sắt, cũng như ngăn ngừa nhiễm trùng. Vitamin C còn góp phần sản xuất collagen - thành phần chính của mô liên kết, rất cần thiết để chữa lành vết thương và giữ cho cơ thể khỏe mạnh.

Điều trị táo bón

Nếu bạn gặp khó khăn khi đi vệ sinh, hãy thử nhai vài củ cà rốt sống. Với hàm lượng chất xơ cao, chúng có thể điều trị táo bón và giúp bạn bài tiết chất thải thường xuyên, đều đặn hơn. Ngoài ra, tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu carotene có thể làm giảm nguy cơ ung thư ruột kết (đại trực tràng) và tốt cho sức khỏe hệ tiêu hóa nói chung.

Kiểm soát bệnh tiểu đường

Cà rốt có chứa đường tự nhiên, 10% củ cà rốt là carbohydrate và gần một nửa trong số này là đường. 30% khác của hàm lượng carbohydrate này là chất xơ. Nhìn chung, cà rốt là một loại thực phẩm ít calo, nhiều chất xơ, tương đối ít đường. Nhờ đạt điểm chỉ số đường huyết (GI) thấp, khoảng 39 điểm GI cho cà rốt luộc, cà rốt không có khả năng kích hoạt tăng đột biến lượng đường trong máu và an toàn cho người bệnh tiểu đường. Hơn nữa, chế độ ăn nhiều chất xơ còn giúp ngăn ngừa sự phát triển của bệnh tiểu đường loại 2 hoặc giúp người bệnh kiểm soát lượng đường trong máu.

Giúp xương chắc khỏe

Ngoài ra, cà rốt còn chứa vitamin K, một lượng nhỏ canxi và phốt pho, góp phần vào sức khỏe của xương và giúp ngăn ngừa loãng xương.

Cách chọn mua và sơ chế

Cách chọn mua cà rốt

Để có củ cà rốt tươi, giòn, ngọt thì bạn nên chọn mua cà rốt có

- Thân thẳng, vỏ trơn láng, màu cà rốt sáng, phần lõi nhỏ.

- Không chọn củ có củ có lá, cành ở gốc, phần vai của củ to và dày.

- Ngoài ra, không mua cà rốt mềm, bị bầm dập, hình dạng méo mó, bị héo, lõi ở giữa to.

Cách sơ chế

  1. Cà rốt sau khi mua về rửa sạch với nước và gọt bỏ vỏ.
  2. Đặc biệt đối với những củ cà rốt non thì chỉ cần dùng bàn chải cước chà nhẹ phần vỏ bên ngoài.
  3. Sau đó cắt cà rốt thành miếng vừa ăn và phù hợp với nhu cầu sử dụng.

Cách bảo quản

Các bước bảo quản cà rốt để giữ được độ tươi, giòn nhất định

  1. Cắt bỏ phần ngọn củ cà rốt, sau đó bọc củ cà rốt trong màng xốp hơi (bọc bong bóng) rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh trong khoảng 2 tuần.
  2. Khi bảo quản lưu ý không rửa qua nước và cắt nhỏ cà rốt trước khi bỏ vào tủ lạnh.
  3. Bảo quản cà rốt ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời có thể giữ trong 3 tuần.

Cách chế biến phù hợp

Xào, luộc, trộn, làm nước ép, làm mứt,...